Sự nghiệp và cống hiến Theodor Escherich

Sự nghiệp

  • Theodor Escherich bắt đầu học tập và hoạt động y học từ năm 1876. Luận án tiến sĩ của ông có tên "Die marantische Sinusthrombose bei Cholera infantum" (Huyết khối xoang tĩnh mạch não ở dịch tả trẻ sơ sinh) bảo vệ ngày 27 tháng 10 năm 1882 ở đại học Würzburg, công bố năm 1882.[6]
  • Sau đó, sự nghiệp chính của ông bắt đầu trong công tác khám và chữa trị bệnh cho trẻ em (ta thường gọi là lĩnh vực Nhi khoa) cũng như giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học.

Cống hiến

  • Trong lĩnh vực y tế cộng đồng, ông có nhiều đóng góp. Tháng 10 năm 1884, chính phủ Bavaria cử ông đến Naples để nghiên cứu bệnh dịch tả lan tràn ở đó, góp phần giảm bớt dịch bệnh. Năm 1903, Theodor phát động phong trào và thành lập hiệp hội "Bảo vệ trẻ sơ sinh". Ngoài công việc này, ông đã góp phần đáng kể cho việc cải thiện chăm sóc trẻ em và giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh rất cao thời đó.
  • Trong khi làm ở phòng khám Bệnh viện Julius thuộc Würzburg, dưới tư cách trợ lý thứ nhất cho giám đốc Karl Gerhardt, lúc nghiên cứu về các trẻ bị bệnh tiêu chảy, ông phát hiện một loài vi khuẩn thời đó chưa ai biết. Vì loài này kí sinh trong ruột già (tiếng Latinh là colum), nên ông đặt tên nó là Bacterium coli (vi khuẩn côli). Ông báo cáo phát hiện này vào năm 1885, trong thuyết trình của mình nhan đề “Vi khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh” (nguyên bản tiếng Đức: "Darmbakterien des Säuglings und ihre Beziehungen zur Physiologie der Verdauung") cho Hiệp hội Hình thái và Sinh lý học. Đến năm 1886, sau 18 tháng nghiên cứu chuyên sâu, ông cho xuất bản cuốn sách với tựa như trên (hình 3).
  • Do nhiều bệnh thuộc lĩnh vực Nhi khoa thời đó mà Theodor Escherich điều trị và phát hiện nguyên nhân là do vi khuẩn gây ra, lây truyền chủ yếu qua con đường ăn uống, nên người ta đánh giá ông là thày thuốc Nhi khoa đầu tiên về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em (tiếng Anh: pediatric infectious diseases, tiếng Pháp: maladies infectieuses pédiatriques).[1][8] Ở Việt Nam, nhiều bác sĩ hiện thường gọi tắt lĩnh vực này là "khoa Nhi truyền nhiễm" hoặc "khoa lây nhi", với ý nghĩa "khoa" không phải là một đơn vị hành chính trong một bệnh viện, mà là một lĩnh vực chuyên môn. Ngoài ra, vì nghiên cứu của ông về loài vi khuẩn này đầy đủ và chi tiết nhất đương thời, nên người ta còn gọi ông là nhà vi khuẩn học và làm cho ông trở thành một trong những nhà vi khuẩn học hàng đầu thời đó.
  • Tên của vi khuẩn Bacterium coli mãi sau khi ông đã mất đã được các nhà khoa học đổi tên khá nhiều lần, rồi đến năm 1919 thì được gọi thống nhất toàn thế giới là Escherichia coli, để vinh danh ông tìm ra loài này đầu tiên.[9][10]
Hình 3: Trang bìa cuốn sách của T. Escherich về vi khuẩn E. coli.